image banner
Admin
Lấy ý kiến với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn
Lượt xem: 324
Lấy ý kiến với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn

Trước yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn Việt Nam, khắc phục những vấn đề phát sinh chưa phù hợp trong quá trình thực Luật Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ trương thực hiện các hoạt động sửa đổi Luật Công đoàn, trên tinh thần Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội – Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về chi tiết các hình thức giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo đó, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã ban hành Chương trình giám sát và phản biện xã hội năm 2020 và đã được Tỉnh ủy phê duyệt.

Là cơ quan chuyên trách, tham mưu cho Tỉnh ủy thực hiện nội dung này, Liên đoàn Lao động tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, sửa đổi, bổ sung một số điều  của Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012, cụ thể như sau:

 Điều 1. Công đoàn

Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyệnđại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Điều 5. Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn

1. Người lao động làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Cán bộ công đoàn phải là người Việt Nam.

2. Trình tự, thủ tục thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

3. Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam.

Chính phủ quy định chi tiết khoản 1, khoản 3 Điều này sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.”

Khoản 1 Điều 6

1. Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thống nhất từ trung ương đến công đoàn cơ sở.”

 Điều 9. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền công đoàn

2. Phân biệt, đối xử đối với người lao động và cán bộ công đoàn vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn, bao gồm:

a) Yêu cầu tham gia hoặc không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức công đoàn để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động;

b) Sa thải, kỷ luật, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng làm việc, không tiếp tục giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, thuyên chuyển người lao động làm việc khác.

c) Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc và các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động.

d) Cản trở, gây khó khăn liên quan đến công việc nhằm làm suy yếu hoạt động của tổ chức công đoàn.

3. Sử dụng biện pháp kinh tế hoặc biện pháp khác để can thiệp, thao túng vào quá trình thành lập và hoạt động của công đoàn nhằm làm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu việc thực hiện các chức năng của tổ chức Công đoàn.

4. Lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.”

 Điều 17. Quyền, trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở

Ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có quyền, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động khi được người lao động ở đó yêu cầu.”

Khoản 2 Điều 23:

2. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy và chức danh cán bộ công đoàn trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền phân bổ cán bộ công đoàn chuyên trách trong toàn hệ thống trên cơ sở tổng số biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao.

Khoản 2 Điều 24:

2. Cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng thời gian tối thiểu để thực hiện nhiệm vụ công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật lao độngTuỳ theo quy mô cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp mà Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và đơn vị sử dụng lao động thoả thuận về thời gian tăng thêm.

Khoản 2 Điều 26:

Phương án 1“2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đối với doanh nghiệp có từ 02 tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trở lên, mức phân bổ kinh phí này cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo quy định của Chính phủ.”.

Phương án 2: “2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vịdoanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; 70% số thu kinh phí này được giao cho công đoàn cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.”

 Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012 còn được bổ sung, thay thế một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản như sau:

1. Bổ sung từ “đơn vị” vào sau từ “tổ chức,” tại Điều 3; khoản 2, khoản 6 Điều 4; khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 11; khoản 2 Điều 15; khoản 1, khoản 2 Điều 16; khoản 7 Điều 18; khoản 1 Điều 20; Điều 22; khoản 3 Điều 23; khoản 5 Điều 24; khoản 3 Điều 25; khoản 2 Điều 26.

2. Thay thế từ “bảo hộ lao động” bằng cụm từ “an toàn, vệ sinh lao động” tại khoản 1 Điều 11.

3. Thay thế cụm từ “hài hoà, ổn định và tiến bộ” bằng cụm từ “tiến bộ, hài hòa và ổn định” tại khoản 4 Điều 11; Điều 20.

4. Bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật lao động” vào cuối khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 6 Điều 10.

5. Bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật” vào cuối khoản 9 Điều 10;  khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều 22.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn sẽ được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.

Việc tổ chức lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn là dịp để cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động nói lên tiếng nói của mình - đối tượng trực tiếp thực thi Luật, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung về tổ chức và hoạt động của tổ chức Công đoàn, thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và các Nghị quyết của Đảng về tổ chức Công đoàn, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

                                                                             Bùi Văn Sơn

Trang thông tin điện tử Công đoàn thị xã Chơn Thành

 Địa chỉ: đường Hồ Văn Huê, khu phố Trung Lợi, phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước

 Điện thoại: 

 Chịu trách nhiệm nội dung: Chủ tịch Công đoàn thị xã Chơn Thành

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước | Quản trị